Tài trợ bởi vatgia.com
Trang chủ » Tin tức

Rộng cửa mua nhà tầm giá 1 tỷ đồng trong năm nay

(2022-02-12 15:20:31)

Trong kế hoạch phát triển các năm tới đây, nhiều doanh nghiệp BĐS đang ưu tiên hơn cho phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền với tầm giá 25-30 triệu đồng/m2. Động thái này mở ra hy vọng hạ nhiệt cơn khát nhà giá rẻ.

Đầu quý 1/2022, Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm Group và Gỗ Trường Thành công bố Sáng kiến Nhà ở vừa túi tiền nhắm đến nhu cầu nhà ở phổ thông. Liên kết tay ba này tận dụng thế mạnh của ba doanh nghiệp gồm: xây dựng phát triển dự án, vật tư và đồ gỗ gia dụng để nhảy vào thị trường nhà giá rẻ phục vụ công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp. Liên minh này dự kiến xây dựng các căn hộ giá rẻ tại TP.HCM khoảng 25 triệu/m2 và ở một số tỉnh vệ tinh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương dưới 20 triệu/m2 hoặc thấp hơn, vị chi khoảng 1 tỷ đồng một căn.

Trong khi đó, Tập đoàn Nam Long cũng hợp tác với Công ty Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) để phát triển dự án EHome Southgate (nhà bình dân) với hơn 1.000 căn hộ nằm trong dự án Waterpoint tại Bến Lức, Long An. Mỗi m2 căn hộ dự kiến có mức giá từ 20 triệu đồng, tương đương trên dưới 1 tỷ đồng mỗi căn. Dòng sản phẩm này được Nam Long công bố giới thiệu quý 3/2021, hứa hẹn là phân khúc nhà vừa túi tiền khuấy động thị trường bất động sản năm 2022.


Nhiều DN có kế hoạch phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu mua ở thực là tín hiệu vui trong bố cảnh thị trường thiếu hụt dự án giá rẻ.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Nam Long từng khẳng định, nhà vừa túi tiền luôn là hướng phát triển chủ lực của công ty hàng chục năm qua và tiếp tục đẩy mạnh dòng sản phẩm này trong ít nhất 10-20 năm tới. Theo dữ liệu bán hàng của công ty, rất nhiều khách hàng vẫn xếp hàng mua các dự án phân khúc vừa túi tiền tại các đợt mở bán. Đây là nguồn cầu đầy tiềm năng, nguồn cung hiện tại đáp ứng không kịp. Theo Nam Long, khái niệm nhà ở vừa túi tiền là chỉ các phân khúc nhà ở có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy từ 7 năm trở lên của một hộ gia đình. Đặc điểm nhà vừa túi tiền là thu hút nhu cầu ở thật. Đây cũng là phân khúc đứng vững trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi thị trường BĐS khủng hoảng. Giá nhà thuộc phân khúc này có ưu điểm là vừa khả năng chi trả của đại đa số người dân nên số lượng đặt giữ chỗ luôn ở mức tốt.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp mới nổi khác như Kim Oanh, Bcons cũng đang có nhiều sản phẩm căn hộ chào bán trong năm 2022 thuộc phân khúc trên dưới một tỷ đồng một căn tại Bình Dương, giáp phía Đông TP.HCM. Cụ thể, trong năm 2022 Bcons dự kiến triển khai thêm 2 dự án nhà ở nữa thuộc tầm giá từ 30 triệu/m2 tại Dĩ An, Bình Dương. Kim Oanh cũng tiếp tục phát triển nguồn hàng giá bình dân tại dự án Legacy Central với tầm giá từ 28-30 triệu/m2 (chưa VAT).

Giới chuyên gia nhận định, năm 2022 thị trường nhà ở thuộc phân khúc giá bình dân tọa lạc tại vùng ven TP.HCM hoặc tỉnh giáp ranh hứa hẹn cải thiện nguồn cung khi được nhiều doanh nghiệp và cả chính quyền thành phố công bố nhập cuộc. Trong nỗ lực cân bằng cung – cầu bất động sản, chính quyền TP.HCM cũng lên phương án tăng nguồn cung nhà giá thấp trên địa bàn từ năm 2022. Cụ thể, thành phố có phương án xây nhà cho công nhân và người thu nhập thấp thông qua chương trình phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người lao động.

Trong giai đoạn 2019-2021, mặt bằng giá căn hộ tại các khu vực vùng ven TP.HCM và khu vực vệ tinh giáp ranh đang neo ở tầm 35-40 triệu/m2. Nhà dưới 30 triệu/m2 trở nên khan hiếm và dần biến mất khỏi thị trường. Số liệu từ DKRA Việt Nam cho biết, trong quý 4/2021, 90% nguồn cung là sản phẩm cao cấp, hạng sang, thành phố không ghi nhận sản phẩm nhà giá rẻ nào xuất hiện trong rổ hàng. Tình trạng lệch pha cung cầu, các dự án cao cấp, hạng sang lấn lướt nhà vừa túi tiền, đang ở mức báo động. Điều này đi ngược lại với cán cân cung cầu khi nhu cầu nhà bình dân rất lớn song không có hàng hóa đáp ứng.


Bên cạnh việc cải thiện nguồn cung, yếu tố chất lượng sản phẩm nhà giá rẻ cũng là điều cần được chú trọng để thu hút người mua ở thực.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, việc các doanh nghiệp chỉ mặn mà phát triển nhà cao cấp, hạng sang là do hiệu quả kinh doanh tốt trong khi nhà bình dân, giá rẻ ngày càng khan hiếm vì lợi nhuận thấp. Vì vậy, theo ông Châu, loại nhà ở thương mại giá thấp rất cần Nhà nước quan tâm, có cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển. Cụ thể, phân khúc nhà thương mại giá thấp không quá 25 triệu đồng một m2 nên được ưu đãi một phần thuế để kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng, góp thêm nguồn cung nhà ở giá rẻ, giúp người có thu nhập thấp tiếp cận cơ hội an cư.

Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc NCTT JLL Việt Nam cho biết, nguồn cung nhà bình dân tại TP.HCM giai đoạn 2019-2020 sụt giảm nghiêm trọng với chỉ khoảng 5.000 căn. Riêng trong năm 2021, nguồn cung nhà giá rẻ bằng không. Thị trường đang phát triển không đồng đều và cần có sự điều chỉnh về cấu trúc. Đối với thị trường mới nổi như Việt Nam, khả năng giá bán căn hộ quay trở lại mốc nửa thập niên về trước sẽ khó xảy ra. Để giải cơn khát nhà giá rẻ, chiến lược phát triển các dự án nhà ở bình dân cần rất nhiều hỗ trợ từ Chính phủ. Một số giải pháp khả thi có thể đến từ việc đưa ra các chính sách hỗ trợ tốt hơn về thuế cho nhà phát triển trong phân khúc này, đẩy nhanh và ưu tiên việc cấp phép cho các dự án trong phân khúc giá thấp. Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng giúp cải thiện kết nối giữa các khu vực ngoại ô với khu trung tâm và các khu vực làm việc sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy phát triển nhà ở bình dân.

Các tin khác

Banner