Tài trợ bởi vatgia.com
Trang chủ » Tin tức

Tâm điểm thị trường tuần này: Chiến tranh và hòa bình

(2022-02-21 10:32:35)

Căng thẳng ở Ukraina dự kiến sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần này, cùng với những dữ liệu về tiêu dùng ở Mỹ và kết quả kinh doanh của các hãng bán lẻ lớn, sẽ cung cấp cho các nhà phân tích và nhà kinh doanh những thông tin hữu ích về tâm trạng của người tiêu dùng cũng như tình hình lạm phát và chuỗi cung ứng.

Tâm điểm thị trường tuần này: Chiến tranh và hòa bình

Dữ liệu PMI có thể cho thấy các nền kinh tế lớn đang gặp khó khăn như thế nào khi các chính sách chống Covid-19 còn chưa được dỡ bỏ hết trong khi buộc phải cân nhắc về chính sách lợi suất giữa bối cảnh cuộc họp chính sách tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đến gần. Bên ngoài nước Mỹ, ngân hàng Trung ương New Zealand sẽ tăng lãi suất thêm bao nhiêu cũng là vấn đề được thị trường quan tâm.

Dưới đây là những vấn đề trọng tâm đáng chú ý trên thị trường trong tuần này.

1 / Căng thẳng địa chính trị và các cuộc đàm phán

Căng thẳng giữa Moscow và Washington và các nước phương Tây khác về vấn đề Ukraine đã trở thành tâm điểm chú ý của thị trường trong những ngày gần đây, và có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ bớt căng thẳng khi mà các cường quốc phương Tây cảnh báo về khả năng có thể xảy ra một cuộc xâm lược từ phía Nga.

Tại Ukraine, áp lực vẫn đang gia tăng khi xung đột tiếp tục nổ ra giữa quân đội của chính phủ Kyiv và phe ly khai miền đông Ukrana, sau hàng loạt vụ pháo kích xảy ra hôm thứ Năm (16/2.

Các nỗ lực ngoại giao đang được các bên tiếp tục thực hiện ở mức độ cao nhất, với việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chấp nhận lời mời gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào cuối tuần vừa qua - với điều kiện Nga không xâm lược Ukraine.

Ukraine cũng trở thành tâm điểm bàn bạc trong cuộc gặp gỡ của một số nhà lãnh đạo thế giới tại Đức hôm 19/2 nhân Hội nghị An ninh Munich thường niên. Tại đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói rằng, bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị là "cực kỳ nghiêm túc", và cảnh báo rằng, "tình huống xấu nhất giữa Ukraine và Nga có thể xảy ra sớm nhất là vào tuần tới". Kết thức cuộc họp, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung về vấn đề Nga - Ukraine, trong đó khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang giảm các hoạt động quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời khẳng định vẫn dành mối quan tâm lớn tới diễn biến tại khu vực này, đồng thời kêu gọi Nga lựa chọn các biện pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút quân khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.

Tâm điểm thị trường tuần này: Chiến tranh và hòa bình - Ảnh 1.

Các nước phương Tây rất nhạy cảm với nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí gas từ Nga.

2 / Niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay

Sau dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ giảm sút, thị trường lúc này quan tâm tới dữ liệu niềm tin người tiêu dùng của nước này cũng như về kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ lớn để biết thêm về mức độ ảnh hưởng của lạm phát tăng cao đối với người tiêu dùng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Các chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 1 cho thấy kỳ vọng về tăng trưởng ngắn

hạn đã bị giảm xuống, là dấu hiệu mà một số nhà kinh tế cảnh báo cần lưu ý giữa bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến xấu đi. Thị trường chứng khoán trong tháng 2 tiếp tục biến động mạnh khi các nhà đầu tư nhận ra sự thay đổi thái độ của Fed theo hướng ‘diều hâu’ hơn và lo lắng về sự leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraina.

Kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ sẽ bổ sung vào bức tranh thị trường lúc này. Các công ty Home Depot, Lowe's, Macy's và Footlocker nằm trong số những đơn vị theo kế hoạch sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 trong tuần này. Ngoài những điểm mấu chốt trong báo cáo của họ, các nhà đầu tư sẽ phân tích cách các công ty đang xử lý để vượt qua cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và quan điểm của họ về lạm phát.

Tâm điểm thị trường tuần này: Chiến tranh và hòa bình - Ảnh 2.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ.

3 / Các kịch bản về lạm phát và tăng trưởng

Việc thu hẹp các đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc - khoảng cách giữa chi phí vay ngắn và dài hạn - đang thu hút sự chú ý của thị tường. Khoảng cách đường cong lợi suất trái phiếu 2 năm/10 năm của Mỹ gần đây đã giảm xuống dưới 40 điểm cơ bản, thấp nhất kể từ giữa năm 2020; của Canada cũng thu hẹp còn 22 điểm cơ bản, trong khi của Vương quốc Anh đi ngược xu hướng chung khi gia tăng. Nếu lợi suất trái phiếu kỳ hạn gần tăng vượt kỳ hạn xa – mặc dù ít khi xảy ra – thì sẽ báo hiệu sắp suy thoái kinh tế.

Các nhà giao dịch trái phiếu đang ngày càng tin rằng đã đến lúc các ngân hàng trung ương – có lẽ đã để lỡ cơ hội khiến lạm phát trở nên quá nóng - sẽ phải lao vào chiến dịch tăng lãi suất một cách quyết liệt, và điều này có khả năng gây ra suy thoái.

Một cuộc khảo sát của BofA cho thấy chỉ 12% nhà đầu tư dự báo có thể xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế. Nhưng nếu lạm phát tiếp tục gây bất ngờ theo chiều ngược lại, các đường cong lợi suất trái phiếu đó có thể tiếp tục theo hướng đảo ngược.

Tâm điểm thị trường tuần này: Chiến tranh và hòa bình - Ảnh 3.

Hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu báo hiệu nguy cơ suy thoái kinh tế.

4 / Lãi suất tăng – nhưng sẽ tăng bao nhiêu?

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) được dự báo là chắc chắn sẽ tăng tỷ lệ lãi suất hơn nữa từ mức 0,75% hiện nay - lần thứ ba trong vòng 5 tháng - khi các nhà hoạch định chính sách RBNZ họp vào thứ Tư (23/2).

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Thống đốc Adrian Orr và những người khác sẽ tăng lãi suất thêm ¼ điểm cơ bản hay tăng đến 50 điểm, sau dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát và thị trường lao động đang tăng nóng.

Các nhà hoạch định chính sách từ trước tới nay luôn phát tín hiệu sẽ bình thường hóa chính sách lãi suất một cách từ từ, nhưng cũng ngụ ý khả năng tăng 50 điểm cơ bản, và có thể sẽ làm điều này ở mỗi cuộc họp trong năm nay, và có thể đích lãi suất hướng tới là 3,0%.

Tâm điểm thị trường tuần này: Chiến tranh và hòa bình - Ảnh 4.

Những áp lực buộc RBNZ phải tăng lãi suất.

5 / Sống chung với Covid

Khi biến thể Omicron lây lan khủng khiếp vào cuối năm 2021, nhiều nền kinh tế lớn đã chọn cách không quay trở lại các chính sách phong tỏa chặt chẽ như trước. Giờ đây, với việc các nền kinh tế Châu Âu tiếp tục nới lỏng những chính sách chống Covid-19, các chính phủ tỏ ra tự tin hơn trong việc đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa.

Đức đã phát tín hiệu sẽ sớm nới lỏng các hạn chế; trong khi những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Anh cũng sẽ không phải tự cách ly kể từ cuối tháng 2.

Các chỉ số sơ bộ về PMI tháng 2 sẽ dần được công bố trong những ngày tới, với khu vực đồng euro và Vương quốc Anh sẽ công bố vào thứ Hai (21/2), qua đó có thể cho thấy những động thái nới lỏng kể trên sẽ tác động tích cực như thế nào đến kinh tế. Các dữ liệu kinh tế khởi sắc dần ở Đức có thể tạo động lực để các ngân hàng trung ương nhanh chóng rút lại những biện pháp kích thích kinh tế đã áp dụng trong giai đoạn đại dịch.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách sẽ theo dõi các chính phủ/chính quyền khác -ví dụ, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) - sẽ hành động như thế nào trong cuộc chiến ngăn chặn virus Covid-19, bởi những chiến lược đó có thể ảnh hưởng tới toàn cầu nếu gây áp lực lên chuỗi cung ứng.

Tâm điểm thị trường tuần này: Chiến tranh và hòa bình - Ảnh 5.

Dữ liệu về số ca nhiễm Coviud-19 và việc nới lỏng những hạn chế ở Châu Âu.

Tham khảo: Reuters

Các tin khác

Banner