Tài trợ bởi vatgia.com
Trang chủ » Tin tức » Thị trường nhà đất

Lý do bong bóng bất động sản chưa đáng ngại

(2015-12-15 09:31:05)
Nhiều tín hiệu phục hồi đã lần lượt xuất hiện trên thị trường địa ốc trong giai đoạn 2014-2015 sau chu kỳ khủng hoảng kéo dài 7-8 năm liền. Điều này khiến các chuyên gia tin rằng bong bóng BĐS chưa đáng ngại. Một số lý do bong bóng bất động sản chưa đáng ngại
 
Thứ nhất là nợ xấu giảm. Trong hội thảo Cơ hội mua nhà cho người trẻ diễn ra vào cuối tháng 11/2015, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho hay, tới tháng 10/2015, nợ xấu chỉ còn 2,4% trong tổng dư nợ. Chỉ số này đã đáp ứng được mục tiêu xử lý nợ xấu BĐS bởi mục tiêu là dưới 3%. Nợ xấu giảm nằm trong tầm kiểm soát là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của BĐS.
 
Thứ hai là đô thị hóa nhanh. Theo ông Lê Anh Tuấn, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và trong vòng 3 năm tới đây có thể sẽ vươn lên vị trí cao hơn. Số lượng cư dân dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị sống theo quá trình đô thị hóa này sẽ làm gia tăng nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn.
 
Thứ ba là nhiều dòng vốn đang đổ vào thị trường địa ốc. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, bên cạnh kiều hối, FDI, tín dụng cũng tăng trưởng tốt. 10 tháng năm 2015, tín dụng tăng 12,7% so với năm 2014, kiều hối năm nay ước đạt 5,5 tỷ USD nhưng tới tháng 10 đã đạt 4,7 tỷ USD. Có khoảng 71% trên tổng dòng tiền này đưa vào hoạt động sản xuất, 6,2% gỡ khó khăn cho các gia đình, còn lại đang chảy vào địa ốc. Điều này cho thấy người dân có niềm tin thị trường BĐS đang hồi phục ổn định.
 
 
Thứ tư là cơ chế giám sát tài chính chặt chẽ. Ông Minh nhận định, chính sách tín dụng năm nay có sự giám sát, ràng buộc và có điều kiện để quản lý dòng vốn vay địa ốc. Hoạt động đầu tư tín dụng BĐS của nhà băng rất chặt chẽ. Từ năm 2013-2015, tín dụng BĐS tăng bình quân 11,7%, chiếm 11% trong tổng số dư nợ. Các ngân hàng thẩm định cho vay rất thận trọng. Quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng, bài học xử lý nợ xấu, khủng hoảng địa ốc năm 2008 đã tạo sự thận trọng chung trong toàn bộ hệ thống.
 
Thứ năm là thanh khoản toàn thị trường lên cao. Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính tới quý III/2015, Hà Nội có tổng cộng 5.300 giao dịch thành công, tăng 70% so với số lượng giao dịch thành công cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tp.HCM có khoảng 5.100 giao dịch thành công, tăng gần gấp 2 lần số giao dịch thành công của cùng kỳ năm 2014. Thanh khoản tăng đột biến so với năm trước chính là cơ sở để tin tưởng vào chu kỳ phục hồi.
 
Thứ sáu là đầu tư lớn cho hạ tầng. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu phân tích Dragon Capital cho hay, trong hai năm 2014-2015, đầu tư xây dựng hạ tầng của nước ta gần bằng 8 năm trước cộng lại, cao hơn cả một số quốc gia phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Sự bùng nổ đầu tư hạ tầng chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho thị trường địa ốc phát triển.
 
Thứ bảy là tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh. Dữ liệu của Dragon Capital cho thấy, Việt Nam hiện có 12 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, tới năm 2020, ước tính sẽ có hơn 30 triệu người dân thuộc tầng lớp này. Đây chính là nguồn cầu lớn cho thị trường địa ốc trong tương lai.
 
Thứ tám là tồn kho BĐS trên đà giảm mạnh. Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính tới ngày 20/11/2015, tổng giá trị tồn kho địa ốc còn khoảng 53.245 tỷ đồng. Giá trị tồn kho đã giảm 75.303 tỷ đồng so với quý I/2013, tương đương với 58%. Nếu lấy cột mốc từ đầu năm 2013 tới nay (hai năm), lượng tồn kho địa ốc đã giảm hơn một nửa. Đây chính là tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp thụ của thị trường đã phục hồi.
 
Thứ chín là cú hích lớn từ hội nhập sâu cũng như đòn bẩy chính sách. Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Cushman & Wakefield lạc quan với viễn cảnh hứa hẹn mà Hiệp định TPP sẽ mang lại cho thị trường địa ốc Việt Nam. Đầu tiên, BĐS công nghiệp, thương mại, hậu cần, văn phòng sẽ hưởng lợi từ các nguồn cầu mới xuất phát từ mục tiêu giao thương. Tiếp theo là những chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam làm việc làm phát sinh nhu cầu nhà ở. Luật cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS Việt Nam sẽ giúp cho phân phúc nhà ở (thuê hoặc mua căn hộ) hoạt động sôi động hơn nữa.
 
 

Các tin khác

Banner